CB - Những kết quả bước đầu sau 3 năm
trở thành Ngân hàng thương mại thuộc sở hữu Nhà nước
Ngày 05/03/2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại 100% vốn của Ngân hàng TMCP Xây Dựng và trở thành chủ sở hữu của Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam. Sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém nội tại, nhưng với sự hỗ trợ lớn của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực của tập thể đội ngũ nhân viên, CB đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
Ngày 18/12/2017, Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã có chuyến thăm và làm việc với CB
3 năm – hơn ngàn ngày nỗ lực
CB đã giữ vững được ổn định trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng đối với hoạt động của CB. Quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so trước thời điểm 05/03/2015. Số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng. Đối với hoạt động cho vay: sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai cho vay trở lại, CB đã triển khai cho vay đa dạng các sản phẩm tín dụng mới đối với cá nhân (cho vay mua xe ô tô , cho vay mua nhà ở/đất ở, xây mới, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh, bảo lãnh trong nước…). Riêng năm 2017, CB đã dành nguồn vốn tín dụng gần 3.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển của các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thăm và động viên CBNV Ngân hàng Xây dựng tại CB Long An
Tính đến thời điểm 30/11/2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó: nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ; nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng. Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng của CB trong nỗ lực và quyết tâm xử lý nợ do đặc điểm các khoản nợ xấu của CB rất phức tạp, liên quan đến các vụ án, tài sản bị kê biên..; kết quả xử lý nợ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ và kết quả xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời với các công tác ổn định hoạt động, CB đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu sau khi phê duyệt đề án. Trong đó, yếu tố nhân sự được đặc biệt chú trọng. Cùng với nguồn nhân lực có chất lượng từ Vietcombank tham gia quản lý, điều hành; CB đã sàng lọc, tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ CBNV đáp ứng được yêu cầu công việc mới. Bên cạnh đó, CB tập trung hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro, xây dựng hoàn chỉnh các quy định, quy trình hoạt động; nâng cấp, cải thiện hạ tầng công nghệ, chủ động triển khai thành công một số dự án hiện đại hóa trong hoạt động cho vay và điều hành hoạt động Ngân hàng như phần mềm quản lý cho vay, giải pháp quản trị văn phòng điện tử, hệ thống kiểm soát chi phí tự động, quản trị rủi ro.
Niềm tin khi cánh cửa chính sách đã mở
Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Ban lãnh đạo CB trong buổi làm việc tại CB Long An
Sau 3 năm chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, CB đã duy trì và củng cố hoạt động ngân hàng ổn định với nhiều kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu thời gian vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn chồng chất, đặc biệt là chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và có rất nhiều nội dung chưa có tiền lệ.
Tháng 11/2017, Luật Các TCTD bổ sung, sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 15/01/2018. Đây là điểm mấu chốt có tính chất quyết định đến thành công của Đề án tái cơ cấu của CB nói riêng và các Ngân hàng thương mại mua bắt buộc nói chung. Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng nhà nước có điều kiện thực hiện các giải pháp, chính sách mạnh để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu CB. Niềm tin cho CB hiện thực hóa Đề án tái cơ cấu.
Nguồn: CafeF.vn
http://cafef.vn/ngan-hang-xay-dung-cb-nhung-ket-qua-buoc-dau-sau-3-nam-tro-thanh-ngan-hang-thuong-mai-thuoc-so-huu-nha-nuoc-20171220171553748.chn