Ngân hàng Xây dựng: Từ An thuận đến Phát triển
Nếu như “An thuận” là mục tiêu của Ngân hàng Xây dựng (CB) trong giai đoạn đầu tái cơ cấu, đưa ngân hàng trở về quỹ đạo hoạt động an toàn, lành mạnh, thì đến nay, sau hơn 8 năm nỗ lực, việc tập trung đẩy mạnh quản trị rủi ro và chuyển đổi số là tiền đề vững chắc để CB vượt thách thức, hướng tới những đích đến cao hơn để “Phát triển”…
CB tập trung đẩy mạnh quản trị rủi ro và chuyển đổi số, hướng đến phát triển bền vững.
Bước vào năm thứ 9 trên hành trình tái cơ cấu, cùng với các công tác triển khai theo tiến độ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo để chuyển giao bắt buộc về Vietcombank, CB sẽ bước vào hành trình mới với những chuyển mình mạnh mẽ.
Với tinh thần không ngừng đổi mới, đặt khách hàng là trọng tâm, CB đã chủ động xây dựng nền tảng công nghệ ngân hàng số dù trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Đây chính là động lực cho sự tăng trưởng của CB trong giai đoạn tới.
Cùng với thông điệp “An - Thuận - Phát” với ý nghĩa an định từ ý chí, đồng thuận từ niềm tin và quyết tâm phát triển bền vững, bước vào năm thứ 9, hành trình tái cơ cấu ghi dấu những bước phát triển ý nghĩa của CB.
TỪ AN THUẬN TRONG VIỆC TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH QUẢN TRỊ RỦI RO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Củng cố nền tảng quản trị rủi ro hướng đến sự minh bạch, song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường luôn là mục tiêu dài hạn của CB để tăng khả năng thích ứng cao trước các biến động thị trường.
Đặc thù của hoạt động ngân hàng là kinh doanh rủi ro và với CB quản trị rủi ro có ý nghĩa đặc biệt. Trong bối cảnh ngân hàng đang tái cơ cấu, vừa xây dựng, vừa củng cố hệ thống chính sách, hành lang pháp lý, vừa vận hành và định hướng hoạt động kinh doanh theo đúng chuẩn mực, các quy định của pháp luật hiện hành là một nỗ lực rất lớn của CB.
Theo chia sẻ từ đại diện CB, bằng việc tuân thủ chặt chẽ quy định của ngành, đặc biệt là theo chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, CB đã chủ động áp dụng các chính sách, nâng cao quản trị rủi ro, góp phần đem lại kết quả kinh doanh ổn định và lành mạnh.
Trước đây, rủi ro trong hoạt động là một trong những nguyên nhân gây nên hậu quả nặng nề ở ngân hàng tiền nhiệm thì với hệ thống vận hành ứng dụng hiện nay, CB giám sát khá hiệu quả toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ phát sinh từ huy động, cho vay và kiểm soát các chỉ số nguồn vốn.
Tiêu biểu như quy trình cho vay tại CB được xây dựng một cách rõ ràng, chặt chẽ với khẩu vị rủi ro được xác định cụ thể. Quy trình ra quyết định phê duyệt cho vay được tổ chức 100% tại Hội sở. Các chi nhánh chỉ có chức năng bán hàng nhằm hạn chế rủi ro thông qua chuyên môn hóa chức năng, nhiệm vụ từng vị trí tham gia vào quy trình cho vay.
Đồng thời, CB ứng dụng hoàn toàn công nghệ vào quy trình tín dụng. Các khoản vay tại CB được thực hiện 100% thông qua hệ thống khởi tạo/phê duyệt khoản vay (LOS) mà không phải tổ chức tín dụng nào ở Việt Nam cũng có thể áp dụng thành công.
Song song với việc tập trung quản trị rủi ro, chuyển đổi số cũng là một trong những chiến lược quan trọng của CB. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng tăng cường đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân.
Định vị “nằm trong nhóm tiên tiến của hệ thống ngân hàng Việt Nam về chuyển đổi số”, CB đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số 5 năm giai đoạn từ 2021 - 2025 với tầm nhìn trở thành ngân hàng số toàn diện, lấy khách hàng làm trọng tâm. Kết quả cho những nỗ lực này là CB đã xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng ngân hàng số CBway. Với CBway, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ tài chính hoàn toàn trên môi trường số như: tiết kiệm online, chuyển khoản nhanh 24/7, chuyển khoản liên ngân hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn…
Trong thời gian tới, CB sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ số được tích hợp trên các nền tảng số, hướng đến mục tiêu phát triển các sản phẩm với tiêu chí gia tăng giá trị chỉ với một ứng dụng ngân hàng số nhằm gia tăng tiện ích và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
ĐẾN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tháng 03/2015, trở thành ngân hàng thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, CB có sự thay đổi tích cực qua từng năm với những kết quả ghi nhận khả quan trên các mặt hoạt động.
Tháng 3/2016, một năm kể từ ngày thuộc sở hữu Nhà nước, CB chính thức trở lại thị trường, được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai đầy đủ những hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại như: huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, cho vay khách hàng cá nhân, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ…
Từ dấu mốc quan trọng này, CB đặt quyết tâm trong chiến lược phát triển bền vững, đề cao mục tiêu phát triển nhưng không thỏa hiệp với tăng trưởng “nóng” và quản trị rủi ro an toàn. Theo định hướng này, CB đã vượt qua rất nhiều khó khăn cả về tài chính, nhân sự… Các chỉ số kinh doanh quan trọng của CB tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng ổn định qua mỗi năm. Năm 2022, năm đầu tiên CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu kinh doanh, chỉ tiêu tăng trưởng cũng như đảm bảo quản trị chi tiêu chặt chẽ.
Năm 2023, cùng với đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động ngân hàng, CB tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống quy trình quản trị rủi ro với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ, kiểm soát hệ số rủi ro đi cùng quy mô kinh doanh. Kết thúc quý 1/2023, CB đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong quý, khởi đầu triển vọng cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Nhiều chuyên gia dự báo năm 2023 vẫn sẽ là một năm thách thức với thị trường tài chính - ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung với nhiều biến động khó lường. Vì thế, để hoàn thành các kế hoạch đã đề ra, CB sẽ theo sát diễn biến thị trường để đưa ra các chiến lược phù hợp nhằm đạt các mục tiêu về lợi nhuận và tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả.
(Nguồn: Theo VnEconomy)
https://vneconomy.vn/ngan-hang-xay-dung-tu-an-thuan-den-phat-trien.htm